Những ngày tháng 4 là những ngày bắt đầu vào hè với cái nắng nhẹ nhàng. Và đó cũng là tháng có những ngày lễ, những ngày đặc biệt mà mỗi chúng ta ai cũng biết đến, không thể nào quên. Ngày đặc biệt trong các ngày đặc biệt đó là ngày 30/4 - Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dịp kỉ niệm ngày này, thư viện trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Ký ức tàu không số" của tác giả Mã Thiện Đồng, được nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2015. Cuốn sách được in với khổ 14,5x20x5cm, trang bìa là hình ảnh về con tàu trong vượt sóng ra khơi. Có thể nói đây là một cuốn hồi kí được tác giả ghi lại về một thời kì lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những con người đã cống hiến tuổi trẻ của mình xuống tàu vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam như Trần Phong, Nguyễn Xuân Thơm, Thôi Văn Nam, Nguyễn Văn Đức,...Gần 50 năm đã trôi qua, họ vẫn còn sống, dù chỉ còn rất ít thôi, họ là những chiến sĩ vô danh nhưng chính họ là những người đã làm nên những huyền thoại trên con đường huyền thoại "Hồ Chí Minh trên biển".
Bằng những con tàu đơn sơ, máy móc cũ kỹ, hậu phương lớn đã đều đặn chi viện cho chiến trường miền Nam vượt qua sự săn lùng của hạm đội Mỹ và tàu tuần tra của Ngụy. Có những lúc phải hủy tàu, cả đoàn hy sinh khi tàu bị bắt, cán bộ chiến sĩ ta bị sát hại... Có lần, tàu vừa cập bến Vàm Lũng thì bị mắc cạn mà trời lại gần sáng. Nơi mắc cạn nằm gần đồn địch. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta huy động lực lượng “Xuồng con ghé lại đỡ vũ khí. Người lội, nước ngập tới ngực, mang vác tăng gấp hai ba lần sức người bình thường, bốc vác từng thùng vũ khí nặng hàng tạ băng băng lên đường” (trang 45). Có những con tàu phải tự hủy. Hay các cán bộ, chiến sĩ ta bị bắt, bị tra khảo. Thế nhưng “những đòn tra tấn dã man ấy chỉ cướp đi sức khỏe của các anh, còn lời khai thì dù ở chỗ nào, bị nhốt riêng hay chung, những người con trung kiên dũng cảm đã được rèn luyện trong nước sôi lửa bỏng đều thống nhất lời khai được chuẩn bị từ trước: chỉ biết phụ việc nấu cơm, dọn dẹp trên tàu hoặc đánh cá...” (trang 218). Những chuyến tàu đã cập bến, bà con miền Nam vui mừng không kể xiết. Đồng bào đã háo hức đến tận tàu để tận mắt xem những con người “mình đồng da sắt” và phụ giúp khuân vác vũ khí: “Khi lên tàu, các bà, các má, các chị đều khóc òa, níu tay từng người vì cảm động, vì thương anh em thủy thủ cực khổ quá, dũng cảm quá... và cũng vì sung sướng quá!” (trang 88).
Quyển hồi ký được thể hiện bằng văn phong trong sáng, giản dị nhưng cuốn hút và lay động độc giả trong từng trang viết bởi những câu chuyện, con người và sự kiện như “huyền thoại”. Cuối tháng 3-2010, Hội sách TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giới thiệu sách và giao lưu trực tiếp với các chiến sĩ hải quân còn sống của những chuyến tàu không số ngày nào.
Trân trọng được giới thiệu tới bạn đọc!