"Không thầy đố mày làm nên", câu ngạn ngữ đó vừa khẳng định một chân lí: muốn nên người thì phải có thầy, vừa cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta. Lịch sử nền giáo dục Việt Nam có một bề dày truyền thống với các khoa cử từ ngàn năm. Từ kì thi Minh kinh bác học đầu tiên khoa Ất Mão năm 1075, Lê Văn Thịnh đỗ đầu cũng là người thầy giáo đầu tiên được lịch sử ghi nhận: ông là thầy dạy của thái tử Càn Đức (Vua Lí Nhân Tông). Nhân kỉ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/ 2020), Thư viện trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bộ sách "Những người Thầy trong sử Việt" của Nhà xuất bản Kim Đồng, phát hành năm 2017. Bộ sách gồm 2 tập và mỗi tập được tác giả giới thiệu theo trình tự lịch sử Việt Nam từ triều đại phong kiến đến xã hội ngày nay với những người thầy tiêu biểu đã từng làm quan, rồi về quê dạy học.
Tập một gồm 22 người thầy qua các thời kỳ trong lịch sử Việt Nam đã được các tác giả giới thiệu ngắn gọn về hoàn cảnh xuất thân, quá trình học tập, trưởng thành, những đóng góp quan trọng trong việc dạy dỗ học trò, đặc biệt nhiều người thầy vừa làm quan, vừa trực tiếp dạy học cho các thái tử trong triều. Đó là những người thầy đã rất quen thuộc như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên... Họ không chỉ là những người trực tiếp dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, mà còn là những nhà thơ, nhà văn, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.
Tiêu biểu là Chu Văn An, người thầy mà cả nước đều biết và được nhân dân tôn là “vạn thế sư biểu” (người thầy chuẩn mực của muôn đời). Hay Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ và nhà văn hóa lớn đất Nam kỳ, người được nhân dân trìu mến gọi là Đồ Chiểu - cái tên gắn liền với nghề dạy học của ông... Mỗi người thầy đều là những tấm gương về ý chí, tinh thần ham học, nhân cách mẫu mực, đặc biệt là có tấm lòng yêu nước sâu sắc. Chính vì vậy, các thầy không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, cách làm người cho các thế hệ học trò, mà còn truyền cho lớp lớp học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó, gắng học hành, rèn luyện đức, tài để trở thành những người có ích cho xã hội.
Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu Nguyễn Thị Lộ quê Hải Dương, vị nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà chính là người vợ hiền giỏi giang của Nguyễn Trãi - nhà Văn hóa lớn của nước ta. Hay họa sĩ Tardieu, một người Pháp không có đầu óc thực dân, đã dành cả nửa cuối cuộc đời mình để xây dựng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo nên những thế hệ họa sỹ tài năng đầu tiên của nước ta, qua đó đưa hội họa hiện đại đến với Việt Nam...
Trong tập hai, tác giả giới thiệu cho chúng ta 21 người thầy như: tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Tiêu biểu nhất đó là Lê Quý Đôn - Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn là một người học vấn sâu, kiến thức rộng, là một nhà khoa học, một người thầy lỗi lạc. Theo như Bùi Hạnh Cẩn viết về Lê Quý Đôn "Người này không sách gì không đọc, không lẽ gì không thông. Học vấn sâu, kiến thức rộng. Cổ kim đông tây hầu như thu vào một người." Hay Đặng Thai Mai - bậc danh sư thời hiện đại.
Đến với cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt”, các bạn càng thêm yêu quý, kính trọng thầy cô - những người luôn sống vì hạnh phúc của thế hệ tương lai, sống để cống hiến hết mình cho đời! Những người thầy đã làm tròn sứ mệnh với lòng yêu nghề thật tâm sẽ mãi mãi ngự trị trong trái tim của những người học trò. Sự tâm huyết, lòng yêu thương cùng những bài học quý giá mà thầy cô đã dạy sẽ mãi mãi theo chân các em trên chuyến xe cuộc đời.
Tất cả những nhà giáo đều là tấm gương sáng về nhân cách, tài năng, đồng thời cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Các thầy là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và noi theo.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!